Những xào xạc khuya phố

am, một “ông chủ” của cửa hàng piano tại Hà Nội, cuộc đời đã có nhiều năm tháng bôn ba ở mọi miền đất nước, thậm chí đã có quãng đời dài sống tại Đức, một ngày kia khiến hết thảy mọi người ngạc nhiên khi chọn Vinh để mở cửa hàng bán đàn piano và ở lại nơi này.

Nam, một “ông chủ” của cửa hàng piano tại Hà Nội, cuộc đời đã có nhiều năm tháng bôn ba ở mọi miền đất nước, thậm chí đã có quãng đời dài sống tại Đức, một ngày kia khiến hết thảy mọi người ngạc nhiên khi chọn Vinh để mở cửa hàng bán đàn piano và ở lại nơi này.

Anh ở lại, ban đầu chỉ vì ý tưởng có chút lãng mạn của một người bạn Nam vừa kịp quen ở Vinh, rằng nên chăng anh hãy đem đến cho cư dân thành phố Vinh còn đang “khát” âm nhạc một chút gì mới mẻ. Nam đã ở lại, một trong những khu trọ mà anh vẫn tự hào nói “vui nhất phố Vinh” trong hẻm nhỏ đường Nguyễn Duy Trinh. Nhà phố, mà vẫn còn nguyên căn cấp 4 xây từ mấy chục năm, vẫn có khoảng sân rộng, đã bạc mưa nắng, có cây khế rợp bóng trước hiên. Chính cái khoảng sân giản dị ấy, biết bao nhiêu bước chân bạn bè tìm đến. Thậm chí, có đêm, nghệ sỹ Phó An My – một nghệ sỹ độc đáo và cá tính bậc nhất trong nền âm nhạc đương đại từ Hà Nội theo lời mời của Nam và một người bạn về ngay khoảng sân này mà say sưa gõ phím dương cầm và hát như thể đây là nơi chị tự do nhất cất tiếng.

Với Phó An My, hay với Nam, chính là những chân tình bè bạn ở Vinh đã níu họ dừng lại. Và những đêm phố cũng là ấn tượng mà họ không thể tìm thấy ở bất cứ một thành phố nào…Nam nói, đến bất cứ thành phố nào, Nam cũng dành ra vài ba ngày đi “ngắm phố” ban đêm.Và ở đây, Nam thấy mình có được bình yên, ngay cả khi việc kinh doanh đối với anh gặp những khó khăn không nhỏ. Tôi tưởng chừng đã bật cười vì những suy nghĩ có phần “viển vông” của một người kinh doanh như Nam. Để rồi, tôi chợt nhận ra, không phải ư, cũng chính là những viển vông đã cho tôi, kẻ tự nhận mình là người lữ thứ, dừng bước chân mình ở lại với Vinh một đêm mùa đông, như Nam vậy… Đó là một đêm trên cầu Bến Thủy đẫm gió bấc và mưa phùn. Hun hút những chuyến xe đường dài với lướt qua những mặt người âu lo hay ngái ngủ. Những chuyến xe ngày ấy đi qua cầu Bến Thủy cũ (chưa có đường tránh như giờ) mang bao nhiêu nỗi niềm của kẻ tha hương. Con sông Lam, con sông đã trôi vào thơ, vào nhạc một dòng tình tứ hôm ấy đã thốc những cơn gió lạnh buốt từ mặt sóng lên bóng 2 người chúng tôi. Cái hơi ấm duy nhất, có lẽ là ở lập lòe một đốm thuốc đỏ cháy trên tay người đàn ông đi bên cạnh mình…. Và tôi, đã bất ngờ biết bao, khi dõi mắt nhìn dưới mênh mông rì rào, lấp loáng đâu đó trên đầu những con sóng đêm đang kể chuyện dưới kia có ngọn đèn dầu một gia đình chài lưới. Nó đang thắp lên ấm áp một mái nhà vỏn vẹn chừng 2 mét vuông, kệ gió lạnh, mưa rơi… Con người đang yêu là tôi, khi ấy, đã mơ tưởng như thế.

Đã nghĩ rằng, chỉ cần 2 mái đầu chụm vào chia sẻ thì dẫu có lênh đênh trên dòng sông kia đến cuối cuộc đời cũng có hề chi. Sau này, khi đã quen thuộc với những con đường, từng khúc quanh, quen với một dọc bờ đê sông Lam chạy ven thành phố, quen với cả những làng chài khát khao được lên bờ, tôi đã có đôi lần tự cười vì những viển vông tuổi trẻ. Nhưng, thực lòng tôi cảm ơn nó, cảm ơn những viển vông ấy đã cho tôi dừng lại với Vinh. Để có thể yêu Vinh một cách chậm rãi mà nồng nàn…

Phố đã cho tôi - Ảnh 6.

Tôi đã bao lần giấu mặt mình vào đêm phố mà vời nhớ quê hương. Cũng bao lần giấu mặt mình vào đêm phố để thấy khẽ khàng lắm, phố đang vỗ về tôi. Phố cho tôi lanh canh những tiếng rao đêm. Ai nào bánh bao nóng. Ai nào bánh mì Sài Gòn một ngàn một ổ. Ai bánh khúc. Ai ngô nóng đơi… Phố cho tôi những người bạn, chuếnh choáng say bên chiếu mực đêm đường Lê Mao, đường Quang Trung… hát cho tôi nghe một câu ví giặm đầy gan ruột khi mà giọng đã lạc hẳn đi: “Rằng là người ơi, đã thương thì thương cho chắc/ Mà đã trục trặc thì trục trặc cho luôn/ Đừng như con thỏ đứng đầu truông/ Khi vui thì giỡn bóng ơ…khi buồn thì bỏ đi”, với nhẫn nại những cô chủ quán chiều khách đến bất kể giờ nào. Phố đã cho tôi, những tri kỷ tâm giao, chỉ cần một người đi khỏi phố đôi ngày là nhớ, dù có khi gặp cũng là để rủ nhau xôi đêm Yến Thịnh sát bên ga Vinh, cháo lươn Cổng Thành, cháo xương Lê Lợi hay xáo trứng Trần Phú. Ngồi, bên hè, nghe gió lạnh xuýt xoa, để tự thấy lũ mình hình như ngớ ngẩn hay sao ấy, rồi phá lên cười.

.

Bà bán bánh mướt xáo trứng xưa là nhân viên Cửa hàng ăn uống Bến Thủy thời bao cấp, dửng dưng nhìn lũ khách ăn đêm. Bao người nói bà khó tính, nhưng khi quen rồi, mới biết, hóa ra bà có bao nhiêu cởi mở. Bà chọn sự dửng dưng vì bà đã trải qua bao năm tháng cuộc đời bên vỉa hè phố này (từ sau ngày bà về hưu), bà biết mọi sự trên đời nên xảy ra như nó đã xảy ra. Rảnh khách, bà có lần còn tâm sự về gia đình mình, về những đứa con giàu có, thành đạt của bà tìm mọi cách khuyên mẹ không nên bán hàng trên phố đêm nữa. Bà nói, tại sao bà lại không được làm? Bà đang thích làm cái công việc ấy. Khi làm việc mình yêu thích, mình thấy vui, thấy có ích hơn với cuộc đời. Vả lại, bà lao động quen rồi, không làm là chân tay thừa thãi, như người mất hồn ấy. Bà quen với vỉa hè đêm, với bóng đèn hắt ra mờ nhạt, trên những gương mặt người hoặc rệu rã, hoặc có rất nhiều tâm sự…

Phố đã cho tôi, những bước chân xao xác lá khô, về một con hẻm khuya, nơi căn nhà trọ lặng buồn khuất sau giàn cây và chìm đắm trong hương mộc lan những năm xưa ấy. Cho tôi lác đác những ô đèn mơ màng ngái ngủ trên những căn chung cư cao tầng khi tôi rời bến xe về nhà sau một chuyến đi xa. Ai đó trên kia còn thao thức, hút một hơi thuốc trên ban công. Ai đó trên kia còn mải nghe một bản đàn buồn từ chiếc radio cũ? Ai đó vừa độc ẩm một tuần trà trong cái yên lặng vây phủ xuống vai mình? Ai đó đã ấm áp trong chăn chợt giật mình vì tiếng rao rét mướt mùa đông? Và phố, phố hào phóng cho tôi vỉa hè rộng thênh. Hào phóng cho tôi những hàng cây đứng đợi. Cho tôi một mặt hồ Goong im sóng, những bức tường rêu như thể bao năm rồi thủy chung không đổi. Phố cho tôi tiếng chổi người lao công xa dần khi tôi khép cánh cổng nhà mình, về cùng yên ấm….

Phố đã cho tôi - Ảnh 6.

Rồi tự bao giờ, tôi đã xem phố Vinh là phố của tôi. Cũng như bao nhiêu cư dân nơi này, dừng lại nơi này nghĩ thế. Trong một chuyến bay đêm rời phố Vinh, tôi đã không thể kìm nổi những nghẹn ngào trong lòng mình khi nhìn qua ô cửa máy bay. Vinh của tôi đấy sao? Một chòm sao nhấp nháy dưới mặt đất. Những con đường như những cái chỉ tay. Có cảm tưởng rằng chỉ dang đôi tay mình là ôm chứa hết…Cả những hàng cây đang chụm đầu vào nhau trên đường Ngư Hải, cả những tiếng đàn ghi ta, tiếng dương cầm trong quán nhỏ Góc phố, Lò Gạch, Lăn Trầm hay những quán mới có cái tên Tây hơn như Hello, Roma….Cả những biệt thự im ắng trên đường Đinh Lễ, đường Phan Kính, đường Đinh Công Trứ, Duy Tân… Trên một con phố nào, có bước chân gã nghệ sỹ một đời thác ghềnh phiêu bạt, đến khi bạc tóc đành giấu buồn trong đáy mắt thẳm, có nhà đấy mà không thể về, để nghiêng ngả trên vỉa hè mà hát “ Đêm đông”: “Đêm đông ta mơ giấc mơ gia đình yêu đương/ Có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà?.

Quán caffe vỉa hè.

Dù anh là ai, một người hành khất, một người bán hàng đêm, một người hát rong, hay những kẻ lữ thứ, vẫn có thể tìm thấy cho mình một góc ấm trên vỉa hè phố Vinh. Ai cũng có thể đi trong khuya phố mà tưởng những vỉa hè thênh thang kia thuộc về mình, đám lá xào xạc kia thuộc về mình, những đôi mắt buồn của ô cửa ngái ngủ kia thuộc về mình… Và phố Vinh đêm, tôi có cảm giác như mình vừa được giấu mình nhưng lại như được mở lòng ra với tất thảy. Nhưng Vinh đêm đâu phải của tôi, cũng không phải của anh chàng nghệ sỹ lang thang hát váng vỉa hè. Mà Vinh đêm là của chính nó, sau khi rũ bỏ hết những lớp điểm trang diêm dúa, ồn ã, bụi bặm mai ngày, để sống trong tĩnh lặng, dịu dàng, giản đơn và thiết thân. Vinh không hào nhoáng, không nông nổi như người ta vẫn tưởng. Vinh bao dung, thâm trầm mà sâu sắc như thế, nhưng hãy đi đến tận cùng đêm mới hiểu. Tôi, hay bất kỳ ai đâu ôm chứa được thành phố nhỏ bé này. Mà chính nó đang ôm chứa chúng ta. Những bức tranh của họa sỹ Hoàng Trung, Hữu Dỵ, những bức tượng của học sỹ Trần Minh Châu, những bài thơ của nhà thơ Thạch Quỳ, bản nhạc của nhạc sỹ Lê Hàm…đã ra đời trong những góc nhỏ sáng đèn, khi thành phố tặng cho họ sự yên ắng như vậy đấy. Và trong chuyến bay đêm ấy, khi nhìn xuống thành phố mờ mưa bụi, tôi đã nhớ đến thế một bài thơ, một bài được xem là tuyệt tác trong những sáng tác của nhà thơ Thạch Quỳ “Đợi em ngày giáp Tết” mà ông, hẳn đã viết trong căn gác nhỏ phố Vinh đêm với bao nỗi mơ màng:

Nhà thơ thạch quỳ.

Bài viết:Thùy Vinh
Photo, Video: Hải Vương, Lê Thắng. Trung Hà, Mạnh Đoàn, Sách Nguyễn
Thiết kế: Lâm Mạnh, SN

Thành Phố Vinh về đêm.